Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Việc thành lập chi nhánh ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi muốn mở rộng quy mô thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Chi nhánh mới thành lập phải phải nộp các khoản thuế thế nào? Trong bài viết này, Luật Gia Phát sẽ làm rõ thủ tục thuế khi thành lập mới chi nhánh.
1. Căn cứ pháp lý
- Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
- Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài;
- Thông tư 65/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài.
2. Thủ tục thuế khi thành lập chi nhánh
a. Lệ phí môn bài
- Chi nhánh có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
Trường hợp chi nhánh ở cùng địa phương cấp tỉnh với doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai và nộp lệ phí môn bài cho chi nhánh.
Trường hợp chi nhánh ở khác địa phương cấp tỉnh với doanh nghiệp thì chi nhánh sẽ tự thực hiện kê khai và nộp lệ phí môn bài với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình.
- Hồ sơ kê khai lệ phí môn bài của chi nhánh gồm:
+ Tờ khai lệ phí môn bài;
+ Giấy ủy thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật để thực hiện công việc.
- Mức thu lệ phí môn bài mà chi nhánh phải nộp là 1.000.000 đồng / năm.
Nếu chi nhánh thành lập trong thời gian 06 tháng đầu năm thì nộp lệ phí môn bài cho cả năm, nếu thành lập trong 06 tháng cuối năm (từ ngày 01/07 đến ngày 31/12 của năm) thì năm đầu tiên chỉ nộp 50% mức lệ phí môn bài cho cả năm.
Trường hợp chi nhánh được thành lập bởi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân đó được miễn lệ phí môn bài thì chi nhánh mới cũng được miễn lệ phí môn bài.
Ngoài ra, chi nhánh còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, các khoản thuế này được kê khai và nộp định kỳ theo quý hoặc theo năm trong thời gian hoạt động khi chi nhánh phát sinh doanh thu chứ không phải kê khai khi mới thành lập chi nhánh.
b. Thủ tục in hóa đơn
Chi nhánh được tự đặt in hóa đơn để sử dụng, hoặc sử dụng chung hóa đơn với doanh nghiệp.
Mẫu hóa đơn ở chi nhánh có thể giống hoặc khác với mẫu hóa đơn của trụ sở chính của doanh nghiệp.
Trường hợp chi nhánh sử dụng chung mẫu hóa đơn với doanh nghiệp thì cần lưu ý:
- Tên doanh nghiệp phải được in sẵn phía trên bên trái của tờ hóa đơn;
- Chi nhánh đóng dấu hoặc ghi tên, mã số thuế, địa chỉ vào tiêu thức “tên, mã số thuế, địa chỉ chi nhánh” để sử dụng.
Chậm nhất 02 ngày trước khi sử dụng hóa đơn, chi nhánh phải lập và gửi Thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp chi nhánh sử dụng chung mẫu hóa đơn của doanh nghiệp nhưng kê khai thuế GTGT riêng thì chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Còn nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT cho chi nhánh thì chi nhánh không phải Thông báo phát hành hóa đơn nữa.
Trên đây là nội dung về thủ tục thuế khi thành lập chi nhánh. Công ty Luật Gia Phát luôn giải đáp kịp thời những khúc mắc và mang tới cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.
Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:
Hotline: 098.1214.789
Email: ceo@luatgiaphat.vn
Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn