Quy định của pháp luật về quyền hưởng di sản thừa kế của con ngoài giá thú

Mục lục bài viết

  1. 1. Cơ sở pháp lý
  2. 2. Quy định của pháp luật về con ngoài giá thú
  3. 3. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con ngoài giá thú
  4. 4. Quyền nhận cha, mẹ cho con
  5. 5. Quy định pháp luật về nhận di sản thừa kế của con ngoài giá thú 
  6. 5.1. Thừa kế theo di chúc
  7. 5.2. Thừa kế theo pháp luật (không có di chúc)

Quyền được hưởng di sản thừa kế là một trong những quyền cơ bản của mỗi công dân, được luật pháp công nhận và bảo vệ. Liên quan đến chủ đề này, có một vấn đề đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đó là liệu các con ngoài giá thú có được công nhận bởi pháp luật và có quyền được hưởng di sản thừa kế hay không? Trong bài viết sau đây, Luật Gia Phát sẽ tư vấn và giải đáp những thắc mắc trên cho các bạn đọc.

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Dân sự 2015

- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

2. Quy định của pháp luật về con ngoài giá thú

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về “con ngoài giá thú”, tuy nhiên, căn cứ tại khoản 1 Điều 9 và khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc hai bên nam nữ có con được xem là con ngoài giá thú trong các trường hợp sau:

- Hai bên có con khi chưa đăng ký kết hôn hoặc không đăng ký kết hôn;

- Hai bên có con với nhau nhưng một trong hai bên hoặc cả hai bên đều đã kết hôn.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình.

Như vậy, có thể thấy không ai sinh ra mà mất quyền không được nhận bố mẹ vì sinh không trong thời kỳ hôn nhân cả. Dù là con ngoài giá thú hay con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì đều có quyền và nghĩa vụ với cha mẹ ngang nhau.

3. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con ngoài giá thú

Về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con ngoài giá thú sẽ tuân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cụ thể tại Điều 15 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền và nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Như vậy, dù là con chung trong thời kỳ hôn nhân hay con ngoài giá thú thì đều được hưởng những quyền và nghĩa vụ như nhau.

Tuy nhiên, điều đặc biệt của con ngoài giá thú ở đây đó là cha và mẹ đang tồn tại riêng rẽ trong một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp khác hoặc cả cha và mẹ là người độc thân. Như vậy, trước tiên để được hưởng những quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình như trên thì trong giấy khai sinh của người con phải ghi nhận cả tên của người cha và người mẹ. Mà muốn được hưởng quyền và nghĩa vụ này thì cần có thủ tục nhận cha, mẹ cho con. 

4. Quyền nhận cha, mẹ cho con

Căn cứ Theo Điều 91 và Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền nhận cha mẹ con như sau:

- Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

- Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.

- Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.

5. Quy định pháp luật về nhận di sản thừa kế của con ngoài giá thú 

Căn cứ theo khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.” Như vậy, dù là con chung trong thời kỳ hôn nhân hay con ngoài giá thú thì trong trường hợp cha, mẹ chết thì con ngoài giá thú vẫn được hưởng thừa kế nếu không thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế hoặc từ chối di sản thừa kế.

Việc nhận thừa kế sẽ thực hiện theo 2 hình thức: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

5.1. Thừa kế theo di chúc

Căn cứ theo Điều 609 và Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và có các quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như vây, căn cứ theo quy định trên, con ngoài giá thú có quyền được hưởng thừa kế trừ trường hợp bị truất thừa kế hoặc tự nguyện từ chối không nhận thừa kế, không thuộc đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật, có thể là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

Ngoài ra, trường hợp con ngoài giá thú không được chỉ định là người thừa kế nhưng thuộc một trong hai trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì vẫn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

5.2. Thừa kế theo pháp luật (không có di chúc)

Trường hợp này sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật. Khoản 1, Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: 

“Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”

Vì vậy, dù có là con ngoài giá thú hay con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được pháp luật bảo vệ quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật, các con đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất không có sự phân biệt và được hưởng phần di sản thừa kế theo pháp luật ngang bằng nhau, trừ trường hợp bị truất thừa kế hoặc tự nguyện từ chối không nhận thừa kế, không thuộc đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:

Hotline: 098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn

CÔNG TY LUẬT GIA PHÁT

Luật sư đầu tư nước ngoài:

098.1214.789

Luật sư Doanh Nghiệp:

0972.634.617

Luật sư sở hữu trí tuệ:

098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Luật sư tư vấn giấy phép:

098.1214.789

Luật sư giải quyết tranh chấp:

098.1214.789

Luật sư tư vấn hợp đồng:

0972.634.617

Email: luatgiaphat@gmail.com

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT