Điều kiện, quy trình đăng ký mở hai loại hình báo chí

Mục lục bài viết

  1. 1. Cơ sở pháp lý
  2. 2. Một số khái niệm báo chí và hoạt động báo chí
  3. 3. Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí
  4. 4. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí
  5. 5. Quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí
  6. 6. Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí

Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Dưới đây, Luật Gia Phát sẽ trình bày những điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí để Quý Khách hàng có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Báo chí  năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018.

- Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 12 năm 2020 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.

- Quyết định 75-QĐ/TW ngày 21 tháng 8 năm 2007 của ban bí thư về “quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”

- Quy định số: 101-QĐ/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 về Trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí

2. Một số khái niệm báo chí và hoạt động báo chí

Luật báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định:

- Tại khoản 1 Điều 3: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.”

- Tại khoản 3 Điều 3: “Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in.”

- Tại khoản 6 Điều 3: “Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.”

- Tại khoản 8 Điều 3: “Sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử.”

- Tại khoản 15 Điều 3: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng.”

- Tại khoản 2 Điều 3: “Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình.”

- Tại Điều 16: “Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 14 của Luật này, thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí, có một hoặc một số sản phẩm báo chí theo quy định của Luật này.”

3. Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí

Căn cứ theo Điều 14 Luật báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018: Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí bao gồm:

- Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

- Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.

Vậy chỉ các tổ chức nêu trên mới có thể thành lập một cơ quan báo chí, còn cá nhân không phải là đối tượng của việc thành lập một cơ quan báo chí.

4. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí

Báo chí là cách thức để mọi người tiếp cận thông tin, nắm bắt tình hình xã hội trong nước và quốc tế. Hoạt động báo chí có thể ảnh hưởng vô cùng to lớp đến nhận thức, suy nghĩ của người dân, từ đó tác động đến tình hình kinh tế, chính trị và an ninh - trật tự trong nước. Vì vậy, việc kiểm soát hoạt động báo chí là vô cùng cần thiết.

Căn cứ theo Điều 14 Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT, các trường hợp cơ quan, tổ chức được đề nghị cấp giấy phép thực hiện hai loại hình báo chí:

1. Đối tượng được quy định có nhu cầu thực hiện hai loại hình báo chí:

a) Báo in và báo điện tử;

b) Tạp chí in và tạp chí điện tử.

2. Cơ quan báo chí đang thực hiện hai loại hình báo chí có một hoặc hai giấy phép chuẩn bị hết hiệu lực có nhu cầu tiếp tục hoạt động báo chí.

3. Cơ quan báo chí đang thực hiện một loại hình báo chí có nhu cầu thực hiện thêm loại hình báo chí khác:

a) Báo in thực hiện thêm loại hình báo điện tử;

b) Tạp chí in thực hiện thêm loại hình tạp chí điện tử;

c) Báo điện tử thực hiện thêm loại hình báo in;

đ) Tạp chí điện tử thực hiện thêm loại hình tạp chí in.

Căn cứ theo Điều 17 Luật báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 cơ quan, tổ chức muốn xin giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Phải xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử).

- Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí; có người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này để đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí. 

- Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử.

- Có trụ sở và các Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam.

- Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí

Căn cứ theo Điều 23 Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018: Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí gồm:

- Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo không áp dụng tiêu chuẩn này;

- Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này;

- Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động.

Bên cạnh đó, theo Quy định số: 101-QĐ/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Ban chấp hành Trung Ương, người đứng đầu cơ quan báo chí còn phải đáp ứng các điều kiện:

- Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo).

- Có trình độ lý luận chính trị cao cấp (Không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo).

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí.

- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ít nhất 2 năm. Trường hợp đặc biệt, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.

- Quy định về độ tuổi và thời gian để công tác còn lại khi bổ nhiệm ứng với từng cơ quan, tổ chức cụ thể mà người đứng đầu đó công tác

- Không được kiêm giữ chức vụ tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập cơ quan báo chí khác.

- Không đảm nhiệm chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp tại 1 cơ quan báo chí.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 14 quy định trên: Trường hợp đã được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư trước ngày Quy định trên có hiệu lực (28/02/2023) thì tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết thời hạn được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Khi hết thời hạn, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thì thực hiện theo Quy định 101-QĐ/TW.

6. Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí

- Theo thông tư số 41/2020/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử và các chuyên trang, phụ trương, đặc san:

Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí (Được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này):

- Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép thực hiện hai loại hình báo chí gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm có:

+ Tờ khai đề nghị cấp giấy phép thực hiện hai loại hình báo chí;

+ Đề án hoạt động (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) tổng hợp các nội dung của đề án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 và của đề án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này (đối với cơ quan báo in và báo điện tử) và các tài liệu kèm theo;

Đề án hoạt động (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) tổng hợp các nội dung của đề án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 và của đề án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 của Thông tư này (đối với cơ quan tạp chí in và tạp chí điện tử) và các tài liệu kèm theo;

+ Danh sách dự kiến nhân sự của cơ quan báo in và báo điện tử hoặc tạp chí in và tạp chí điện tử;

+ Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập;

+ Mẫu trình bày tên gọi ấn phẩm báo in như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5, mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 10 của Thông tư này, có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép (đối với cơ quan báo in và báo điện tử).

Mẫu trình bày tên gọi tạp chí in như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6, mẫu trình bày giao diện trang chủ của tạp chí điện tử như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 của Thông tư này, có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép (đối với cơ quan tạp chí in và tạp chí điện tử).

Trình tự thủ tục cấp phép hoạt động hai loại hình báo chí:

- Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu nêu trên cơ quan, tổ chức muốn đăng ký giấy phép hoạt động tạp chí in sẽ nộp hồ sơ tại Bộ Thông tin và truyền thông.

- Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử hoặc cấp giấy phép hoạt động tạp chí in và tạp chí điện tử; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

- Sau khi được cấp giấy phép hoạt động báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ra quyết định thành lập cơ quan báo chí và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

- Sau 03 tháng kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không được thành lập hoặc không có sản phẩm báo chí thì giấy phép hết hiệu lực. Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép.

 

Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:

Hotline: 098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn

CÔNG TY LUẬT GIA PHÁT

Luật sư đầu tư nước ngoài:

098.1214.789

Luật sư Doanh Nghiệp:

0972.634.617

Luật sư sở hữu trí tuệ:

098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Luật sư tư vấn giấy phép:

098.1214.789

Luật sư giải quyết tranh chấp:

098.1214.789

Luật sư tư vấn hợp đồng:

0972.634.617

Email: luatgiaphat@gmail.com

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT